Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

18 năm chờ quả ngọt của đôi vợ chồng đầu tiên có con nhờ mang thai hộ

"Vợ chồng tôi ở ngoài phòng sinh, trời lạnh mà mồ hôi tay vã ra. Nghe tiếng con khóc mà nước mắt chảy", anh Hải, người Việt Nam đầu tiên có con nhờ mang thai hộ, kể. 

Hà Nội chiều cuối năm. Gió rét cắt da, cắt thịt. Trong một căn phòng của Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, chị Thùy, anh Hải cùng với vài người thân quây quanh đứa con vừa chào đời. Một cái cựa mình của bé cũng khiến đôi vợ chồng tuổi tứ tuần quýnh lên, ào lại soi xét. 10 ngày bé ra đời cũng là ngần ấy ngày họ chưa có được giấc ngủ thực sự. Mệt nhưng khuôn mặt ai cũng rạng rỡ. Sau 18 năm đồng cam cộng khổ, họ đã được bồng trên tay đứa con của mình.

Chị Thùy (38 tuổi) mỉm cười khi nghĩ về chặng đường đã qua. Ngày ấy, chị - cô gái 17 tuổi với nước da trắng ngần - đã nên duyên với anh, chàng trai xóm dưới hiền lành. Họ có mối tình đầu trong trẻo và sau hai năm là một đám cưới trong sự chúc phúc của mọi người.

Ba năm sau kết hôn, họ vẫn không có tin vui. Đôi vợ chồng trẻ lo lắng, họ hàng cũng bắt đầu rục rịch, xóm giếng có tiếng xì xào. Chị Thùy đi tìm hiểu và biết được nguyên nhân không có con xuất phát từ mình. "Sau khi mổ nội soi các bác sĩ kết luận tôi bị nhi hóa tử cung (tử cung không phát triển). Bác sĩ kê thuốc về dùng và dặn theo dõi biết đâu có khả năng tử cung sẽ phát triển và có con, nhưng tôi biết đó chỉ là những lời động viên", chị nói.

Video: Em bé mang thai hộ đầu tiên ở Việt Nam trong vòng tay bố mẹ

Anh Hải vẫn nhớ như in ngày đó, nghe bác sĩ nói xong vợ anh bưng mặt khóc. Đứng giữa tầng 3, Bệnh viện Phụ sản anh đã nói với mẹ vợ: "Con sẽ luôn thương Thùy. Sẽ không vì chuyện cô ấy không có con mà hắt hủi. Chỉ mong cô ấy luôn hiểu được suy nghĩ này của con".

Dù biết mang thai là chuyện gần như không tưởng nhưng vợ chồng anh Hải không vì thế mà ngừng hy vọng. Cứ ai mách chỗ nào thuốc tốt, đền nào cầu con thiêng là họ lại đi. 5 năm, 10 năm, cho đến 15 năm trôi qua, anh Hải vẫn đồng hành bên vợ. 

"Nhiều lúc tôi cứ nghĩ đến cảnh đi làm xa về có một đứa con chạy ra ôm chân, thơm lên má bố. Rồi lại thèm được cọ cọ râu ngứa rát lên làn da phúng phính của con, nhưng không nói cho vợ biết. Có những lúc các cháu chạy lại với tôi hay gặp đứa trẻ nào đáng yêu quá, đang định bế nó lên trêu đùa thì tôi lập tức kìm mình lại. Tôi sợ vợ nhìn thấy cảnh ấy sẽ buồn", anh Hải giãi bày.

Đôi lần chị Thùy cũng khuyên chồng kiếm một đứa con nhưng anh đều gạt đi. Đối với anh, vợ chồng là duyên số, chuyện có con hay không cũng là số mệnh. "Đàn ông khát con nhưng chỉ khát một, người phụ nữ còn khát khao có con hơn mình gấp nghìn lần. Biết vậy nên tôi không bao giờ làm gì khiến vợ đau buồn", người đàn ông 41 tuổi bộc bạch.

qua-ngot-cho-doi-vo-chong-gan-hai-thap-ky-cho-duoc-mang-thai-ho

Vợ chồng anh Hải bên cô công chúa nhỏ ngày đầu tiên sau sinh. Ảnh: Mai Anh.

Chị Thùy đã nghĩ đến phương pháp mang thai hộ từ lâu. Chị cũng biết nhiều người không tự mang thai được đã nhờ người khác giúp mình thực hiện mong muốn này. Tuy nhiên, trước khi pháp luật cho phép, chị không muốn làm chui, bởi như vậy đứa bé là con ruột của anh chị nhưng về mặt pháp luật vẫn chỉ là con nuôi. "Còn gì đau đớn hơn khi con đẻ mình mà chỉ là con nuôi. Vì vậy, tôi cứ mong chờ đến ngày được nhà nước cho phép", chị nói.

Ngày hạnh phúc ấy cuối cùng cũng đến một năm về trước. Người bạn thân của chị Thùy gọi điện báo tin "pháp luật đã cho phép mang thai hộ". Vợ chồng chị chuẩn bị đồ đạc và ngay sáng hôm sau anh chị lên bệnh viện hỏi quy trình và sau đó về nhà tìm người mang thai hộ.

"Vợ chồng tôi nghĩ đến người cô họ rất thương chúng tôi nên định nhờ cô. Cũng lấy can đảm lắm chúng tôi mới dám mở lời. Rất may chồng của cô hiểu chuyện và thương nên đồng ý luôn", chị Thùy cho hay.

Cả gia đình hai bên cùng xúm vào giúp anh chị, người lo tiền bạc, người đi xin dấu, thuê luật sư. Như hiểu được sự mong ngóng của họ, mọi chuyện đều diễn ra suôn sẻ. Vợ chồng anh Hải là một trong những gia đình đầu tiên được duyệt hồ sơ mang thai hộ. 

Sau khi lấy trứng của chị Thùy và tinh trùng của anh Hải, các bác sĩ đã thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy bốn phôi khỏe nhất vào trong cơ thể người cô họ. "Chồng tôi đã nghĩ ra bốn tên con trai, bốn tên con gái. Chúng tôi khá hụt hẫng khi biết chỉ đậu được một thai nhưng nỗi niềm đó cũng qua nhanh khi hai vợ chồng túi bụi với việc chăm sóc cô, lên lịch cho cô ăn những gì mỗi ngày để cái thai trong bụng khỏe. Rồi đến những ngày chở cô đi khám thai, được xem con lớn lên mỗi ngày", chị Thùy kể.

Hơn 9 tháng chờ mong cũng đến ngày bác sĩ chỉ định mổ bắt con. Từ vài ngày trước đó, không riêng gì vợ chồng anh Hải mà nội, ngoại đôi bên cũng như ngồi trên đống lửa, hồi hộp, mong ngóng, vui mừng, xen một chút lo. Sáng sớm 22/1, con cháu đã quây quần ở nhà anh Hải, nơi có ông bà nội đang ở để chờ tin. Gần 7h30 sáng, em bé chào đời với tiếng khóc rất to, bé nặng 3,6 kg.

"Vợ chồng tôi đứng ngoài phòng sinh, trời lạnh mà mồ hôi tay cứ vã ra. Tim tôi như muốn nhảy ra ngoài. Mấy tháng rồi tâm trạng mong gặp con hệt như cái lúc tôi và cô ấy mới hẹn hò, lúc nào cũng mong ngóng. Khi nghe thấy tiếng con khóc mà nước mắt vợ chồng cứ chảy ra. Cho đến khi chúng tôi được bế con trên tay thì niềm hạnh phúc không gì có thể diễn tả được", anh Hải, người đàn ông kiên cường đã khóc vào giây phút đó và cả lần này, khi nhớ lại lần đầu được gặp con.

Chị Thùy cũng sung sướng bày tỏ, giấc mơ của chị đã thành hiện thực. Giờ chị đã được bồng trên tay con mình bằng xương, bằng thịt. "Những người khác có con đã quý rồi, nhưng với vợ chồng tôi khó khăn lắm mới có được nên càng lo. Tôi với chồng canh con như canh bảo bối vậy", chị cười nói.

Trong câu chuyện mang thai hộ của đôi vợ chồng này, không thể không kể đến sự hy sinh to lớn của vợ chồng người cô. Người cô này mang bầu ở tuổi 46. Từ cách đây 20 năm cô đã sinh xong hai con và chưa từng nghĩ mình lại mang bầu thêm lần nữa. "Tôi thương hai em nó và muốn giúp chúng thực hiện ước mơ có con. Ngay khi chúng đề cập, tôi đã về bàn bạc với chồng. Rất vui mừng là anh ấy không hề phản đối", người phụ nữ nhân hậu kể.

Suốt thời gian mang thai, cô chuyển đến sống cùng với vợ chồng anh Hải. Với tinh thần "không để sảy ra một sai sót gì", cả anh Hải, chị Thùy và người cô đã cùng trải qua hơn 9 tháng làm mọi việc tốt nhất cho em bé trong bụng. Giờ đây nhìn em bé bụ bẫm trong vòng tay bố mẹ, cô càng thấy những việc mình là đúng. "Hễ thấy con ọ ẹ là Hải bật dậy xem, thấy đứa cháu đến gần là Hải cũng bật dậy canh chừng, khi con bú sữa, thay tã cũng bật dậy nhìn. Nhìn hai em nó, ở tuổi 40 mới học cách chăm con, đôi lúc còn vụng về trông rất buồn cười", người cô này chia sẻ thêm.

Anh Hải sẽ để con ở bệnh viện thêm vài ngày cho hết đợt lạnh, sau đó mới đưa bé về quê. Năm nay sẽ là một cái Tết bận rộn với họ. 18 năm rồi, ngôi nhà như lời anh nói "thiếu sức sống và lạnh lẽo" thì giờ sẽ có tiếng khóc, tiếng cười trẻ nhỏ. Công chúa nhỏ được bố đặt cái tên Quỳnh Anh với mong muốn con hãy thật mạnh mẽ ở đời. 

Một năm mới thực sự hạnh phúc đã gõ cửa nhà họ.

Phan Dương

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét