Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

Bí quyết chặn nguy cơ suy dinh dưỡng ở người già

Do quá trình lão hóa, người cao tuổi rất dễ mắc bệnh và suy dinh dưỡng, cần cải thiện bằng chế độ ăn nhiều cá, tăng đạm thực vật như đậu hũ, tàu hũ ky, sữa đậu nành, các loại đậu đỗ, ngũ cốc nguyên hạt.

bi-quyet-chan-nguy-co-suy-dinh-duong-o-nguoi-gia

Ảnh minh họa: benhviendalieu.

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Hoàng Hồ Thống Nhất, người cao tuổi có công sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục con cháu và cống hiến sức lực trí tuệ cho xã hội. Cùng với thời gian, họ chịu ảnh hưởng của tiến trình lão hóa, sức khỏe giảm sút dần nên rất dễ mắc bệnh và dễ bị suy dinh dưỡng. Hiện nay, tình trạng suy dinh dưỡng người già chiếm tỷ lệ đến 50% và ngày càng gia tăng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở người già. Theo quy luật tự nhiên, cùng với tiến trình thời gian, các cơ quan trong cơ thể người cao tuổi bị thoái hóa, suy yếu dần, đặc biệt là hoạt động của cơ quan tiêu hóa suy giảm đáng kể, răng yếu hơn, giảm cảm giác vị giác, khứu giác làm cho con người ăn uống kém đi. Người cao tuổi luôn có nhiều bệnh mãn tính đi kèm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Ngoài ra, người già thường rất chủ quan, không nhận ra tầm quan trọng của dinh dưỡng. Đa phần ăn uống thất thường, chế biến, lưu trữ bảo quản thức ăn không đúng cách cũng khiến cơ thể không nhận đủ dưỡng chất. Một số người già sống cô đơn, ăn một mình, không có người chia sẻ nói chuyện nên có cảm giác chán ăn. Hoặc do tổn thương tâm lý mặc cảm "người thừa", buồn giận con cháu không muốn ăn, do hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện kinh tế và chăm sóc tốt nên các cụ dễ bị suy dinh dưỡng.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý đối với người cao tuổi phải đảm bảo đủ năng lượng với tỷ lệ cân đối, cách phân bố bữa ăn hợp lý, chế biến phù hợp với tình trạng sức khỏe và bệnh lý mãn tính đi kèm. Cần phải ăn đa dạng thực phẩm mới cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết, cụ thể như sau:

- Có thể giảm lượng cơm, ăn thêm khoai củ, bắp vì đây là thực phẩm ít năng lượng, không gây béo mà lại có nhiều chất xơ giúp chống táo bón, đào thải cholesterol thừa và ngừa ung thư đại tràng... Lưu ý: Nên chọn gạo mềm dẻo, không xát quá trắng.

- Nên ăn nhiều cá. Mỗi tuần nên ăn ít nhất 3 lần cá. Không ăn quá 3 quả trứng. Tăng sử dụng đạm thực vật như đậu hũ, tàu hũ ky, sữa đậu nành, các loại đậu đỗ, ngũ cốc nguyên hạt.

- Sữa là thực phẩm rất thích hợp cho người cao tuổi, đặc biệt đối với các cụ ăn uống khó khăn do suy giảm hệ răng nhai, ăn không ngon miệng, nguy cơ suy dinh dưỡng nên chọn loại sữa năng lượng cao. Nên chọn sữa có nguồn gốc từ đậu nành, giàu canxi hoặc sữa chua rất tốt cho sức khỏe các cụ.

- Cần bổ sung nhiều rau, củ, quả bởi đây là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ giúp tăng sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật, giảm quá trình lão hóa.

- Hạn chế mỡ động vật, không ăn quá ngọt, hạn chế bia rượu, không ăn mặn. Uống đủ khoảng 1,5 lít nước mỗi ngày.

- Chế biến món ăn mềm, dễ nuốt nhưng không nên xay quá nhuyễn làm giảm khẩu vị món ăn, mỗi bữa đều phải có canh cho dễ ăn.

Ngoài ra, con cháu cần thường xuyên quan tâm các cụ bằng việc quy tụ sum vầy gia đình trong mỗi bữa ăn. Khi thấy ông bà, cha mẹ ăn ít vào các bữa chính, nên bổ sung thêm bữa ăn phụ giữa các buổi. Với người cao tuổi, việc ăn uống đủ chất, cung cấp đủ năng lượng là cách tốt nhất để không bị suy dinh dưỡng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét