Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

11 người tử vong do sốt xuất huyết

Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 36.000 ca sốt xuất huyết, 11 người tử vong; so với cùng kỳ năm ngoái số bệnh nhân tăng gấp 3 lần.

Theo Cục Y tế Dự phòng, dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh thành phía Nam vì đang là mùa mưa. Cả nước đã ghi nhận hơn 36.000 người mắc sốt xuất huyết, trong đó có 11 ca tử vong, 5 tháng đầu năm. Các bệnh nhân tử vong đều chủ quan nhập viện muộn. Khu vực miền Nam đang đứng đầu về số ca mắc, chiếm gần 63%. TP HCM, Khánh Hòa, Bình Định, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Phú Yên… là những điểm nóng của dịch.

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh do muỗi truyền có tốc độ lây lan nhanh nhất trên thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm có khoảng 96 triệu người mắc bệnh, với 500.000 trường hợp nặng cần nhập viện và khoảng 12.500 ca tử vong.

Sốt xuất huyết tồn tại ở Việt Nam hàng chục năm, mỗi năm có 50.000-100.000 ca mắc. Bệnh do muỗi truyền và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Văcxin ngừa bệnh đang được nghiên cứu và thử nghiệm. Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 tuýp gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng tuýp cho nên một người có thể mắc bệnh 2-3 lần.

Trường hợp nhẹ, người bệnh sốt cao đột ngột 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt; đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; có thể có nổi mẩn, phát ban. Nặng hơn, người bệnh có dấu hiệu xuất huyết như chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng); đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, loăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Cụ thể là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...); Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần. Người dân cần chú ý thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

Ngoài ra, cần có thói quen ngủ màn kể cả ban ngày. Người bệnh sốt xuất huyết cũng ngủ màn để tránh muỗi đốt lây bệnh cho người khác. 

>> Xem thêm: 
Dấu hiệu trở nặng của bệnh sốt xuất huyết 

Hà An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét