Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

Từ 280 triệu, sau 12 năm tôi đã có 4 căn hộ ở TP HCM

Với phương châm "lấy mỡ nó rán nó", từ lần đầu mua nhà vào năm 2004, sau 12 năm, chị Sao Khuê đã có 4 căn hộ.

Nhờ có chiến lược khi mua nhà, đầu tiên mua căn vừa sức, không vay mượn quá nhiều để ở; khi đã có nhà ở thì bắt đầu mua những căn nhà sau theo phương châm "lấy mỡ nó rán nó", tức là nhà có thể cho thuê để tạo ra tiền... gia đình chị Sao Khuê đã có trong tay bốn căn hộ tại TP HCM. Dưới đây là chia sẻ của chị:

1. Mua nhà lần đầu: chỉ nên mua vừa tầm tay, không nên vay mượn ngân hàng quá nhiều

Lần đầu mua nhà, năm 2004, tôi chỉ có khoảng 280 triệu. Số tiền đó không thể mua gì ngoài căn hộ chung cư cũ nát ở Thanh Đa, giá lúc đó 320 triệu. Từ Thanh Đa sang quận 1 không quá xa, chỉ là hơi ngập nước. Vì thế khi mua, tôi cẩn thận chọn ở nơi không ngập. Ít tiền, nhưng tôi được ở gần nơi làm việc, dân cư nhộn nhịp, tôi mừng lắm rồi.

Khi mua, tôi vay ngân hàng vừa để trả tiền nhà còn thiếu (40 triệu) vừa sửa chữa lại nhà (30 triệu). Sau một năm cố gắng dành dụm, tôi trả hết nợ.

Chung cư Thanh Đa cũ kỹ lắm. Tôi tham khảo mấy ông bạn, mấy ổng nói "nhìn cũ nhưng ở dư sức hơn 10 năm nữa". Vậy là tôi an tâm, tôi dự định chỉ ở đến 5 năm là cùng. Tôi nhờ người bạn là kiến trúc sư sửa nhà giúp. Căn nhà rất đẹp và tiện nghi, ai bước vào nhà tôi đều ngạc nhiên trước sự khác biệt giữa bên ngoài và bên trong. Nhà đẹp nhưng giản dị chứ không phải cầu kỳ, đắt tiền. Tôi sống tiện nghi trong chung cư Thanh Đa vài năm, sau đó, tôi bán được giá 800 triệu vào năm 2008.

2. Căn nhà thứ 2: Vận dụng nguyên lý "đầu tư vào tài sản chứ không phải tiêu sản"

Vào năm 2006, tôi đã để dành được khoảng 300 triệu, tôi đặt cọc mua căn hộ Him Lam Nam Khánh ở quận 8, giá 820 triệu. Quận 8 là khu dân cư phát triển đã lâu, từ trước 1975, lúc này đã mở thêm nhiều cầu, lưu thông vào quận 1, quận 5 và quận 6 đã nhanh hơn nhiều. Chung cư Him Lam ở ngay khu trung tâm hành chính của quận 8, gần trụ sở UBND, tòa án... nên rất sạch, đẹp, an ninh, thông thoáng.

Nhiều người khuyên tôi dồn tiền mua một căn nhà mặt đất luôn nhưng tôi nghĩ, nhà chỉ có 2 vợ chồng và một con, mua nhà mặt đất giá cao, tốn tiền xây/sửa 2 - 3 tấm. Rồi chi phí điện nước, bảo quản... tốn kém. Chi phí ở nhà đất rất cao (tính trên tổng số vốn bỏ ra). Vốn đầu tư cao mà chưa chắc thoải mái hơn, an toàn hơn. Hơn nữa, ở nhà đất không an ninh bằng chung cư. Ở mặt phố thì ồn ào, bụi bặm, ở hẻm thì chật chội, ẩm thấp. Chưa kể tôi rất sợ chuột, gián. Thế nên tôi không mua.

Tôi quyết định chỉ ở chung cư nhỏ gọn, tiện nghi, sạch sẽ mà chi phí thấp. Số tiền còn lại, tôi tiếp tục đầu tư vào một căn chung cư nữa thì mới đẻ ra tiền được. Khi bất động sản không đẻ ra tiền mà lại tốn chi phí bảo dưỡng thì lúc đó nó không còn là tài sản mà là tiêu sản. Tôi hay đọc các sách dạy về quản lý tài chính nước ngoài, thấy đúng nên áp dụng.

Dọn nhà về Him Lam, tôi cho thuê căn chung cư Thanh Đa trong 2 năm. Nhà Thanh Đa của tôi rất đẹp và tiện nghi, ai cũng thích, nên lúc đó, giá thuê trung bình ở Thanh Đa là 4 đến 4,5 triệu/tháng, tôi vẫn cho thuê được 6 triệu/tháng. 

Tiền thuê nhà + tiền lương tiết kiệm, tôi dồn vào trả nợ cho căn Him Lam. Trong vòng 2 năm sau, tôi trả sạch nợ căn Him Lam. Vậy là tôi có 2 căn hộ.

3. Căn nhà thứ 3: Vận dụng nguyên lý "nấc thang"

Khi dọn về ở Him Lam quận 8, tôi thấy khu Giai Việt đang xây ngay đối diện Ủy ban quận 8, vị trí quá đẹp. Chung cư cao cấp, giá 2,6 tỷ/căn. Tôi đánh liều mua, mua sang tay nên tôi chỉ phải trả 2,4 tỷ. Lúc đó, tôi bán căn Thanh Đa 800 triệu (như đã nói ở trên), góp thêm số tiền lương dành dụm, tôi đặt cọc mua.

Tôi lại tiếp tục vay ngân hàng. Căn này tôi mua dự án nên trả tiền theo từng đợt. Mỗi đợt tôi gom tất cả tiền tiết kiệm để trả, còn thiếu bao nhiêu thì ngân hàng giải ngân. Vì thế, số tiền thực vay ngân hàng cũng không nhiều.

Thế là sau vài năm, tôi vẫn có 2 căn chung cư, nhưng lần này tôi đã leo lên nấc thang mới: từ chung cư Thanh Đa cũ kỹ, tôi đã có một căn Him Lam 80m2 và một căn Giai Việt cao cấp 115m2. Vậy cũng vui rồi.

4. Áp dụng quy luật "tiền đẻ ra tiền"

Đến lúc có chút tài sản, gia đình tôi dọn vào ở căn Giai Việt, hơn 100m2 mà chỉ 2 phòng ngủ, rất thoáng. Cuộc sống đã nâng cấp lên nhiều.

Tôi lại cho thuê căn Him Lam, giá 8,5 triệu/tháng. Lại gom tiền thuê nhà + tiền tiết kiệm từ lương, tôi mua thêm căn thứ 3: căn Topaz ở quận 8, diện tích 76m2, giá chỉ 1,25 tỷ. Căn này tôi không cần vay ngân hàng, tôi đã đủ tiền để trả theo tiến độ.

Mới đây, tôi vừa mua thêm căn hộ M-one (Masteri) tại quận 7, giá 1,67 tỷ cho 67 m2. Lần này tôi vay ngân hàng. Để an toàn, tôi vay 70%, trả trong vòng 25 năm. Nghĩa là nếu như tôi vay hoàn toàn 70% giá trị căn hộ trong 25 năm thì tháng cao nhất tôi phải trả 14 triệu. Sau đó, dư nợ giảm dần, nên số tiền phải trả sẽ ngày càng ít lại.

Tuy nhiên, thực tế, tôi chỉ trả tiền nhà theo tiến độ, nên tôi lại tiếp tục gom tiền cho thuê nhà + tiết kiệm từ lương để trả. Ngân hàng sẽ cho vay thêm phần còn thiếu. Vì vậy, tôi hoàn toàn dư sức để trả nợ căn này trong vài năm sau.

Theo tôi tính toán, nếu thu nhập cứ đều đặn như hiện tại, tôi sẽ trả dứt nợ căn M-one trong vòng 2 năm sau. Lúc đó, tôi sẽ ở một căn khiêm tốn là Topaz, còn lại cho thuê 3 căn. Giá thuê hiện tại của 3 căn (tôi đã khảo sát các căn hộ lân cận) là 15 triệu (cho căn Giai Việt tôi đang ở), 8,5 triệu (căn Him Lam), 11 triệu (căn M-one). Chỉ riêng tiền thuê nhà, tôi đã có thu nhập là 34,5 triệu/tháng.

Với số tiền này, tôi lại có thể tiếp tục mua thêm một căn chung cư nữa.

Sao Khuê

Chia sẻ kinh nghiệm mua nhà đất của bạn tại đây hoặc về giadinh@vnexpress.net.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét