Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

3 giờ mổ tách ngón tay cho cô bé bị dị tật hiếm gặp

Xương dính chặt không còn theo đúng cấu trúc giải phẫu ngón khiến ca mổ tách ngón tay của bé Minh Anh kéo dài hơn dự kiến, kết thúc thành công sau hơn 3 giờ căng thẳng.

Sau một đêm nghỉ ngơi khi từ quê Bình Thuận vào TP HCM, bé Bùi Hà Minh Anh tươi tỉnh bước vào ca mổ tách ngón tay tại Bệnh viện Sài Gòn ITO ngày 21/4. Cô bé 7 tuổi hào hứng với ca phẫu thuật "giúp con có thể cầm viết đi học" được mong đợi suốt nhiều năm qua. Bé thích thú khi được bác sĩ dỗ ngọt bằng phim hoạt hình Doraemon khi các cô phụ tá lấy ven đường truyền. 

Bác sĩ Xuân Anh và bé Minh Anh sẵn sàng "bước vào cuộc chiến". Ảnh: B.V

Bác sĩ Xuân Anh và bé Minh Anh sẵn sàng "bước vào cuộc chiến". Ảnh: B.V.

Bác sĩ trưởng kíp mổ Nguyễn Xuân Anh, Trưởng Khoa Vi phẫu Tạo hình Bệnh viện Sài Gòn ITO cho biết cuộc phẫu thuật khá khó khăn do bệnh nhi lớn tuổi mổ trễ. Các xương dính chặt nhau không còn theo đúng cấu trúc giải phẫu ngón nên các bác sĩ phải cưa xương tách ngón cái khỏi các ngón còn lại, tạo hình kẽ ngón cái dang rộng. Sau đó kíp mổ tiếp tục tạo hình lại xương bàn 4, 5, xuyên đinh cố định, tách ngón 4, 5 ở phần đốt ngón.

"Các mạch máu, thần kinh dị dạng không theo cấu trúc giải phẫu bình thường nên việc mổ tách rất phức tạp, đòi hỏi phải vô cùng cẩn thận", bác sĩ Xuân Anh chia sẻ. Các bác sĩ đã ưu tiên tách ngón út và ngón cái vì hai ngón giữa dị dạng xương dính chặt nên nếu tách ra cũng không có chức năng. Sau hơn 3 giờ tỉ mẩn với từng đường mạch máu, thần kinh, ca mổ đã thành công ngoài mong đợi. Bàn tay của Minh Anh đã được tạo hình rõ rệt với những ngón xinh xắn.

Bé Minh Anh thích thú khi được bác sĩ dỗ ngọt bằng phim hoạt hình Doraemon khi lấy ven đường truyền. Ảnh: B.V

Bé Minh Anh thích thú khi được bác sĩ dỗ ngọt bằng phim hoạt hình Doraemon khi lấy ven đường truyền. Ảnh: B.V

Sau ca mổ thành công, Minh Anh được theo dõi trong 5 ngày tình trạng nhiễm trùng và hoại tử da ghép. Bàn tay còn lại dự kiến sẽ được phẫu thuật vào tháng sau. Theo y văn, những trường hợp dị tật như bé nên mổ lúc 1-2 tuổi, xương còn nềm và khớp chưa bị hư hại để đạt được hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên do đa dị tật nên sức khỏe các bé thường yếu và nhiều nguy cơ.

Bé Bùi Hà Minh Anh mắc hội chứng Aperts, do đột biến gen trong quá trình hình thành bào thai, tỷ lệ rất hiếm 1/85000-1/160.000. Hội chứng này gây đa dị tật trên hộp sọ, hàm mặt, dính chùm xương hai bàn tay và hai bàn chân. Từ lúc chào đời vào năm 2009 Minh Anh đã gặp nhiều khó khăn trong đi đứng sinh hoạt nhưng hoàn cảnh khó khăn không đủ chi phí đi mổ. Luôn nỗ lực để có thể tự tay kẹp thìa xúc cơm ăn, tự lập nhiều thứ nhưng không ít lần Minh Anh bật khóc trong bất lực. Tuổi đi học, mỗi lần kẹp bút vào các kẽ hở bàn tay, mồ hôi túa ra ướt đầm trang vở nhưng cô bé vẫn không bỏ cuộc. 

Một lần khám cho cô bé Minh Anh ngụ ở Bình Thuận và không thấy trở lại theo lịch hẹn, bác sĩ Nguyễn Xuân Anh rao trên Facebook nhờ chuyển lời xin mổ đến gia đình. Nhờ cộng đồng mạng lan tỏa, sau 2 giờ chia sẻ thông tin, bác sĩ và gia đình đã kết nối được với nhau. Sau bài viết trên VnExpress.net, nhiều độc giả đã chủ động liên lạc hỗ trợ, trực tiếp đến bệnh viện thăm tặng quà và một mạnh thường quân đã tài trợ toàn bộ chi phí để cuộc phẫu thuật được diễn ra nhanh chóng. Nhiều phụ huynh có con dị tật tay chân cũng đã liên hệ nhờ bác sĩ giúp đỡ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét