Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Mò bắt tinh trùng để thụ thai

Không thể lấy tinh trùng theo cách thông thường, các bác sĩ phải mày mò tìm dưới kính hiển vi trong số hàng triệu xác tinh trùng chết, nhìn thấy con nào hơi động đậy là “bắt” luôn.

Một trong những công đoạn quan trọng để thụ tinh trong ống nghiệm là lấy được trứng và tinh trùng. Tuy nhiên điều tưởng như dễ lại không hề đơn giản, nhất là với những người đàn ông không có tinh trùng hay còn gọi là azoospermia. Đây là hiện tượng nam giới xuất tinh nhưng không có tinh trùng trong tinh dịch.

Trường hợp của vợ chồng chị Hương (Từ Liêm, Hà Nội) bị vô sinh 5 năm là một ví dụ. Lấy chồng từ năm 27 tuổi, chị Hương không ngờ đường con cái của mình lại gian nan như vậy. Sau năm đầu tiên lấy nhau không có con, vợ chồng chị quyết định đi khám. Chị phát hiện mình bị viêm dính một phần niêm mạc eo tử cung, còn chồng không có tinh trùng.

mo-bat-tinh-trung-de-thu-thai

Những tinh trùng non, yếu sẽ được bơm trực tiếp vào bào tương noãn. 

Biết có con theo cách thông thường là không thể, vợ chồng chị thử thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Các bác sĩ kích thích buồng trứng thu được 14 trứng nhưng không thu được phôi nào. Thất vọng nhưng anh chị vẫn không lúc nào hết hy vọng có con. Vì thế 4 năm sau vợ chồng chị quyết định thử vận may một lần nữa. Tháng 6/2015, hai vợ chồng đến Trung tâm hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Phó giáo sư Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng bộ môn Mô-Phôi, Đại học Y Hà Nội; Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép chia sẻ: “Khi quyết định nhận làm trường hợp này, chúng tôi cũng băn khoăn rất nhiều, tiên lượng khó. Trung tâm khi đó mới hoạt động được 3 tháng, hai vợ chồng bệnh nhân từng làm thụ tinh ống nghiệm IVF thất bại. Vì thế, trong quá trình thực hiện chúng tôi luôn phải để ý đến từng công đoạn”.

Kích thích trứng người vợ, các bác sĩ thu được 15 trứng. Tuy nhiên công đoạn lấy tinh trùng của người chồng vất vả hơn rất nhiều. Phó giáo sư Nguyễn Khang Sơn, Phó trưởng bộ môn Mô-Phôi, Đại học Y Hà Nội cho biết thêm, với những trường hợp tinh dịch không có tinh trùng, các bác sĩ phải trích xuất tinh trùng từ mào tinh, tinh hoàn. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mẩn, nhiều khi phải mò tìm từng con tinh trùng.

“Trong số xác chết hàng triệu con tinh trùng, phải cố bới, rình được con hơi động đậy biết còn sống là lấy luôn. Có trường hợp phải tìm cả tiếng đồng hồ, hàng triệu con mới lấy được một con. Những tinh trùng này sẽ được đánh giá hình thái học, khả năng vận động để chọn con tốt nhất”, phó giáo sư Sơn nói.

Cũng theo các chuyên gia, những trường hợp này làm IVF thông thường rất khó. Thay vào đó, vẫn là thụ tinh trong ống nghiệm nhưng các bác sĩ sẽ tiêm trực tiếp tinh trùng lấy được vào bào tương noãn (ICSI). Với kỹ thuật này không cần thiết phải là con giống khỏe, bơi được mà ngay cả tinh trùng non, yếu cũng làm được.

Với vợ chồng chị Hương, các bác sĩ tiến hành thụ tinh 5 trứng thì thu được cả 5 phôi; sau đó đến công đoạn chuyển phôi vào tử cung. Quãng thời gian đó, các bác sĩ hồi hộp, lo lắng chỉ đến khi bệnh nhân làm xét nghiệm thấy β-hCG cao, cả kíp mới thở phào nhẹ nhõm, bệnh nhân đã có thai. Hiện thai được trên 20 tuần, phát triển bình thường.

Nam giới không có tinh trùng như chồng chị Hương không phải hiếm gặp. Theo phó giáo sư Hà, trong số gần 120 cặp vợ chồng làm thụ tinh ống nghiệm tại trung tâm, thì gần 55% có kết quả kiểm tra tinh dịch đồ bình thường; gần 25% bất thường và khoảng 21% không có tinh trùng, phải trích xuất tinh trùng từ mào tinh, tinh hoàn.

Em bé đầu tiên ra đời tại Trung tâm vào tháng 12/2015, đến nay có 13 bé ra đời. Tỷ lệ có thai thành công 51,6%, tương đương tỷ lệ của nhiều trung tâm hỗ trợ sinh sản khác.

Phương Trang

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét