Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

Giáo sư Pháp ‘xách tay’ keo sinh học cứu trẻ Việt

Thay vì chịu đựng ca phẫu thuật kéo dài 6-7 giờ, loại keo sinh học giáo sư Pháp mang qua Việt Nam giúp bé bị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay thoát nguy cơ liệt suốt đời với cuộc mổ chỉ 2-3 giờ.

Gắn bó với Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM suốt 6 năm qua, trong chuyến công tác tại Việt Nam lần này, giáo sư Alain Gilbert tiếp tục tham gia 7 ca mổ giải quyết liệt đám rối thần kinh cánh tay cho trẻ. Vị giáo sư đầu ngành về phẫu thuật thần kinh cánh tay thế giới đã mang theo về Việt Nam loại keo sinh học giúp giảm thời gian, nâng cao hiệu quả phẫu thuật.

Giáo sư Alain Gilbert thăm khám cho bệnh nhi sau phẫu thuật. Ảnh: Lê Phương.

Giáo sư Alain Gilbert thăm khám cho bệnh nhi sau phẫu thuật. Ảnh: Lê Phương.

Theo giáo sư Alain Gilbert, tổn thương đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ sơ sinh thường do sang chấn sản khoa và một số nguyên nhân khác, tỷ lệ gặp khoảng 1/1.000 trẻ. Trong 4 trẻ bị tổn thương, chỉ có 3 bé tự phục hồi, một trẻ còn lại bắt buộc phải phẫu thuật trong khoảng thời gian 3-9 tháng đầu đời để tránh nguy cơ bị liệt vĩnh viễn.

Mổ giải quyết đám rối thần kinh cánh tay rất phức tạp, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm. Bác sĩ phải xác định được dây thần kinh bị thương tổn trong "đám rối" để can thiệp chính xác, sau mổ phải khâu nối bằng chỉ siêu nhỏ với kính lúp hỗ trợ. Hiện nay phương pháp dùng keo sinh học để xử lý dây thần kinh giúp cuộc mổ giảm một nửa thời gian. Việt Nam chưa nhập khẩu phổ biến loại keo dán thần kinh này nên giáo sư Alain Gilbert "xách tay" sang để hỗ trợ.

Bác sĩ Đặng Khải Minh, Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, trẻ bị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay được theo dõi từ khi chào đời để đánh giá mức độ phục hồi và quyết định có can thiệp hay không cũng như chọn thời điểm phẫu thuật hợp lý nhất. Một số phụ huynh nghĩ rằng nên để trẻ cứng cáp, lớn hơn mới tới bệnh viện nhờ can thiệp. Quan điểm này là sai lầm, dễ khiến trẻ bỏ qua "thời điểm vàng" điều trị, dẫn đến bị liệt cánh tay vĩnh viễn, phải mang di chứng, thương tật suốt đời. Dấu hiệu nhận biết thường là trẻ chào đời không thể cử động khuỷu tay, mắt bên tay bị liệt nhỏ hơn bên còn lại (hội chứng Horner).

Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết trước đây tổn thương đám rối thần kinh cánh tay chưa có giải pháp phẫu thuật, chỉ điều trị bảo tồn, tập vật lý trị liệu. Từ năm 2010, được sự hỗ trợ của giáo Gilbert, bệnh viện đã mổ thành công khoảng 130 trẻ bị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay, trong đó các bác sĩ Nhi Đồng 1 đã tự can thiệp hơn 30 trường hợp.

Lê Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét