Thứ Tư, 8 tháng 6, 2016

Sản phụ tử vong sau 3 giờ nhập viện chờ sinh

Thai phụ Nguyễn Thị Xuyến nhập viện Đa khoa Hòa Bình (Hải Dương) chờ sinh, sức khỏe bình thường, 3 giờ sau sản phụ có biểu hiện tím tái, được mổ cấp cứu song không cứu được cả mẹ lẫn con.

Thai phụ Xuyến 40 tuổi mang thai lần ba, vào Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình chờ sinh ngày 3/6. Trước khi đến Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình chờ sinh, gia đình đã đưa sản phụ tới Bệnh viện huyện Gia Lộc và Bệnh viện Phụ sản Hải Dương khám, sức khỏe hoàn toàn ổn định. Tuy nhiên sau 3 giờ chờ sinh tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, sản phụ lên bàn mổ với những triệu chứng bất thường và cả mẹ cùng con đều tử vong. Gia đình đau xót bức xúc yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân.

Bộ Y tế đã đề nghị Sở Y tế Hải Dương xác minh sự việc, kiểm tra việc hành nghề cũng như thái độ phục vụ, quá trình đón tiếp, xử trí, chăm sóc bệnh nhân, hướng xử trí của bệnh viện Hòa Bình. Bộ Y tế yêu cầu Hội đồng chuyên môn Sở Y tế tỉnh Hải Dương họp để tìm ra nguyên nhân cái chết của sản phụ.

Ông Nguyễn Hữu Phấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình cho biết chiều 7/6, Hội đồng chuyên môn Sở Y tế Hải Dương đã làm việc với bệnh viện để đánh giá quá trình chăm sóc sản phụ Nguyễn Thị Xuyến. Theo ông Phấn, bệnh nhân có các triệu chứng bất thường như ối đột ngột vỡ, nước ối dính phân su, khó thở, nôn, niêm mạc tím tái, mạch và huyết áp bằng không, tim thai không rõ, tinh thần lơ mơ… Các bác sĩ lập tức cấp cứu cho thai phụ nhưng không được. Lãnh đạo bệnh viện chẩn đoán sản phụ Xuyến tử vong do thuyên tắc ối với các biểu hiện đặc trưng của sốc như huyết áp tụt, suy hô hấp, thiếu oxy, tím tái, hôn mê kèm co giật, nôn mửa... 

Theo các chuyên gia, tắc mạch ối là một trong những biến chứng sản khoa rất nguy hiểm, bất ngờ, không thể đoán trước và dự phòng. Khi xảy ra tắc mạch ối, sản phụ nhanh chóng rơi vào tình trạng nguy cấp do suy hô hấp và suy tuần hoàn cấp tính, khó có cơ hội cấp cứu vì diễn biến cực nhanh, tỷ lệ tử vong lên đến 80%. Hội chứng này xảy ra khi nước ối, tế bào thai nhi, bọt khí, chất gây, tóc hoặc các mảnh tổ chức thai khác lọt vào hệ tuần hoàn của mẹ, gây ra suy hô hấp và tuần hoàn cấp tính.

Lê Nga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét